"Thuốc” nào cho xe hợp đồng nhờn luật ?
VOV.VN - Không phải đến bây giờ các “vấn đề” của xe hợp đồng như kinh doanh trái pháp luật, lập bến trái phép, trốn thuế và trốn phí mới xuất hiện mà đã diễn ra liên tục trong nhiều năm. Những vụ việc gần đây chỉ là giọt nước tràn ly. Vậy làm sao để xử lý xe hợp đồng nhờn luật?
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng ngày trên trục đường Phạm Hùng, đối diện Bến xe Mỹ Đình hay dọc đường Phạm Văn Đồng xe hợp đồng dừng đỗ bắt khách dọc đường, còn người dân cũng không ngần ngại lên xe.
Chia sẻ với PV, một hành khách cho biết: "Trường em nghỉ thường không cố định thời gian nên rất khó cố định đi một chuyến xe nào cả. Vì thế em cứ ra Mỹ Đình, dọc bên đường Phạm Hùng có xe nào thì đi xe đấy."
Theo chân Tổ công tác liên ngành số 2 theo kế hoạch phối hợp số 2688 giữa Thanh tra Sở GTVT Hà Nội và CSGT (Công an TP. Hà Nội) vào một chiều cuối tháng 10, chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ có hàng chục xe hợp đồng vòng vo quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình bắt khách.
Tuy nhiên, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các nhà xe này đã nhanh chóng “sơ tán” khách trên xe, nhằm qua mắt sự kiểm tra của lực lượng chức năng, xe nào không kịp sơ tán khách thì cố tình “câu giờ” để “phù phép” danh sách hàng khách đi xe theo mẫu hợp đồng đã được chuẩn bị sẵn.
Ông Trần Hoài Linh, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành số 2 cho biết: "Trong 2 trường hợp tổ công tác tiến hành kiểm tra và lập biên bản, trường hợp đầu tiên họ được đối tượng “chim lợn” thông báo từ xa, khi lực lượng chức năng đến nơi họ đã cho di chuyển xe và ngay lập tức họ tẩu tán đuổi khách xuống, không cho khách trên xe nhằm gây khó khăn cho chúng tôi khi tiến hành xác minh. Vì thế chúng tôi chỉ xử phạt được lỗi dừng đỗ sai quy định.
Trường hợp thứ 2, qua kiểm tra và xác minh lượng khách trên xe, khách cũng nói rõ đi từ Thái Bình lên Hà Nội và giá tiền phải trả cho nhà xe; và lái xe không xuất trình được hợp đồng vận chuyển. Sau một thời gian quanh co, thậm chí chỉnh sửa và điền vào hợp đồng có sẵn để đối phó việc kiểm tra, chúng tôi vẫn quyết định lập biên bản lỗi điều khiển xe khách hợp đồng vận chuyển khách mà không có hợp đồng vận chuyển theo quy định."
Cũng theo ông Trần Hoài Linh, xe hợp đồng biến tướng trở thành xe khách trá hình hoạt động trái pháp luật, thậm chí lập bến trái phép, trốn thuế và trốn phí đã diễn ra liên tục trong nhiều năm qua đang tạo nên một bức tranh hỗ loạn, gây bất công đối với doanh nghiệp (DN) hoạt động vận tải tuyến cố định. Mặc dù việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng khá gắt gao, các bộ ngành chủ quản cũng từng đưa ra nhiều biện pháp xử lý và quản lý chặt chẽ, thế nhưng các chủ xe hợp đồng và lái xe vẫn tìm cách lách luật để hoạt động.
Đồng quan điểm này, ông Cao Đình Kim Anh, Đội trưởng Đội Thanh tra Cơ động (Sở GTVT HN) khẳng định, xe vận tải hành khách bằng hình thức hợp đồng hoạt động trá hình không chỉ vi phạm các quy định tại Nghị định 10 của Chính phủ và Thông tư 12 của Bộ GTVT mà còn gây thất thoát tiền thuế của nhà nước.
"Nếu chúng ta không quản lý được xe vận tải hành khách bằng hình thức hợp đồng sẽ dẫn đến thất thoát tiền thuế của nhà nước; tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN vận tải; ảnh hưởng xấu đến các DN hoạt động tuyến cố định tại các bến xe.
Tuy nhiên đề nghị các DN hoạt động tuyến cố định cần nâng cấp hơn nữa về phương tiện và có các phương thức tiếp thị khi người dân có nhu cầu đi xe về các tỉnh làm sao thuận tiện nhất. Chúng tôi cũng đang báo cáo lãnh đạo thanh tra Sở GTVT đề xuất triển khai mạnh việc thanh tra DN, yêu cầu lái xe phải chấp thành theo đúng Nghị định 10 và Thông tư 12 của Bộ GTVT", ông Cao Đình Kim Anh cho biết.
Để “dẹp” xe hợp đồng trá hình, Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020 về quản lý hoạt động vận tải bằng ôtô, trong đó đề xuất trong một tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 10% tổng số chuyến có điểm đầu và cuối lặp lại, đồng thời phạm vi điểm đầu và cuối được xác định theo địa giới xã/phường.
Đồng tình với đề xuất này, ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội Thanh Tra GTVT đường bộ (Sở GTVT HN) cho rằng việc giảm tần suất chuyến đi tối đa trong 1 tháng tại 1 điểm từ 30% xuống tối đa 10% là phù hợp, nếu quy định này được thực hiện nghiêm chắc chắn tương lai không xa sẽ triệt tiêu được xe hợp đồng trá hình cũng như xóa bỏ được bến cóc xe dù:
“Quy định này rất hay ở chỗ các nhà xe sẽ không đối phó được với lực lượng chức năng, trả về đúng vị trí của nó là xe hợp đồng là chỉ trở theo đoàn và phải có hợp đồng trước 24h và thông báo cho cơ quan chức năng quản lý. Và danh sách hành khách phải đi kèm theo hợp đồng, khi chúng tôi kiểm tra, soi lên là rõ ràng, lúc đấy nhà xe không cãi vào đâu được.
Trước đây Nghị định 10 không quy định rõ về danh sách hợp đồng nên khu lực lượng chức năng kiểm tra là họ đói phó, khó xử lý. Theo quy định mới tôi tin tưởng rằng nếu làm chặt chẽ vấn đề này thì các lực lượng chức năng bám vào đó để xử lý và dần dần triệt tiêu được xe dù bến cóc".
Đã đến lúc chúng ta không thể “trơ mắt” nhìn các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trắng trợn, coi thường tính mạng của người dân; trong khi doanh nghiệp kinh doanh, làm ăn chân chính theo đúng quy định của pháp luật lại phải chịu thiệt thòi, ấm ức và thậm chí nhiều DN muốn giải thể vì sự bất công bằng. Tuy nhiên, để dẹp nạn xe khách trá hình trước tiên những người thực thi công vụ cần phải gương mẫu, kiên quyết và quyết liệt hơn nữa trong thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Nguồn: https://vov.vn/